Tham gia phong trào Cần Vương Mai Lượng

Bối cảnh lịch sử

Sau Trận Kinh thành Huế 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Tân Sở tỉnh Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp cứu nước.

Khi xa giá vua Hàm Nghi ra đến Quảng Bình, Mai Lượng là một trong số những văn thân, sĩ phu yêu nước ở Quảng Bình đầu tiên đến yết kiến vua Hàm Nghi và Sơn Triều (tức triều đình vua Hàm Nghi). Vốn là một võ quan cũ của triều đình Huế, ông được vua Hàm Nghi phong chức Lãnh Binh cùng với những người khác phò tá nhà vua. Từ đó, nhân dân trong vùng thường gọi tên ông là ông Lãnh Mai.[2]

Căn cứ kháng chiến

Lĩnh sứ mệnh của vua Hàm Nghi giao phó, Mai Lượng trở về quê nhà chiêu mộ dân binh, nghĩa dũng, tập hợp lực lượng kháng chiến tại địa bàn vùng hữu ngạn sông Gianh. Căn cứ của nghĩa quân Mai Lượng trải dài từ Cao Mại (vùng thượng nguồn sông Rào Nan, nay thuộc xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình) đến vùng Troóc (vùng rừng núi phía tây huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Đây là một vùng rừng núi hiểm trở, nhưng lại thuận lợi trong việc phối hợp với các đội nghĩa quân khác tiến đánh quân giặc ở vùng bắc Quảng Bình và mở rộng địa bàn kháng chiến ra các vùng khác. Căn cứ nghĩa quân Mai Lượng án ngữ sườn phía nam và dễ dàng liên lạc với căn cứ Sơn Triều của vua Hàm Nghi đóng ở vùng Hoá Sơn, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Căn cứ chính của nghĩa quân Mai Lượng đóng ở vùng thượng nguồn Khe Cấy (là một con suối lớn chảy ra thác Rào Nan) thuộc vùng Cao Mại. Tại đây, nghĩa quân đã xây dựng một khu căn cứ rộng lớn, được bố phòng chặt chẽ. Ven các suối nhánh được lập ra các khu như: khu trại binh, khu chỉ huy, khu luyện tập của binh sĩ, khu lò rèn… Vì vậy, nơi đây trở thành các địa danh như: Khe Trại Binh, Khe Lò Rèn,…[4]

Tổ chức kháng chiến

Với ý đồ kháng chiến lâu dài, tại khu lò rèn, Mai Lượng cho lập xưởng rèn đúc vũ khí, gươm đao, tự tạo thêm nhiều vũ khí trong đó có các loại súng Tắc-giang, tuy thô sơ nhưng đã gây cho quân Pháp nhiều khó khăn. Ông còn cho phát rẫy làm nương trồng lúa, ngô, khoai, sắn để tự túc một phần lương thực, thuốc men.[2]

Trong những năm 1980, những người đi rừng qua khu vực này còn phát hiện những dấu tích đồn trại, dấu tích lò rèn đúc vũ khí và những cây chè, cây mít đại thụ, những mảnh bát, ấm chén, đe, búa, dao, mác… đã bị rỉ ăn mòn gần hết, có người nhặt được tay cầm của thanh gươm bằng đồng có nhiều hoa văn.[4]

Nghĩa quân Mai Lượng có trên 1000 người được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ đã hoạt động cùng với nghĩa quân của các lãnh tụ khác như Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, ông tham La Hà… tạo thành một phong trào kháng chiến rộng lớn trên đất Quảng Bình, đánh dấu bước phát triển cao của phong trào Cần Vương yêu nước.[4]

Chiến lược đánh địch

Nghĩa quân Mai Lượng thường sử dụng lối đánh du kích, phục kích. Với sự lãnh đạo của Mai Lượng, nghĩa quân nhiều phen làm cho quân Pháp khiếp sợ. Từ căn cứ Cao Mại, nghĩa quân thường tổ chức thành các đội quân nhỏ đi hoạt động đánh địch ở vùng Troóc, Khương Hà… và còn vươn đến hoạt động ở các làng vùng đồng bằng hạ lưu sông Gianh. Như vậy địa bàn hoạt động của nghĩa quân Mai Lượng trải ra một vùng giáp ranh ba huyện Quảng Trạch, Bố TrạchTuyên Hoá ở tỉnh Quảng Bình.[2]

Hoạt động mạnh mẽ nhất của nghĩa quân Mai Lượng là những năm từ 1886 đến đầu năm 1889.

Ở vùng đồng bằng nghĩa quân của ông đã từng đánh những trận nổi tiếng ở các làng: Trung Thôn, Biểu Lệ, Lâm Xuân, Hoà Ninh, Diên Trường…

Có những nơi có đồng bào theo đạo Công Giáo, Mai Lượng rất chú ý tuyên truyền trong nhân dân chủ trương đoàn kết lương, giáo, chống lại âm mưu thâm độc kích động gây chia rẽ đồng bào lương và giáo của giặc Pháp để chống lại nghĩa quân. Nghĩa quân được Mai Lượng giáo dục ý thức bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào, đối xử nhân đạo với tù binh… Vì vậy, nhân dân có nơi lúc đầu chưa hiểu đã dần dần quay sang ủng hộ giúp đỡ nghĩa quân Mai Lượng.[6]

Tháng 6 năm 1886, thiếu tá Pháp Gre-gain đem quân càn quét khu vực hữu ngạn sông Gianh. Khi quân Pháp vào khu vực sông Rào Nan – cửa ngỏ của căn cứ nghĩa quân đã bị quân Mai Lượng phục kích gây cho chúng nhiều tổn thất.[2]

Trong các trận càn quét của địch vào thôn Hạ Trang ngày 17 tháng 04 năm 1887 vào vùng Troóc ngày 25 tháng 04 năm 1887, Mai Lượng đã chỉ huy nghĩa quân dựa vào địa thế vùng núi hiểm trở chặn đánh dịch quyết liệt bằng súng thần công, Tắc-giang, giỏ đá… gây cho địch nhiều tổn thất[5]. Những chiến công đó đã có những tiếng vang mạnh mẽ thúc đẩy cao trào của phong trào Cần Vương trong những năm 1886-1887 ở Quảng Bình.[2]

Kháng cự đàn áp

Vào cuối năm 1887, cuộc chiến đấu của nghĩa quân vẫn trong thời kì gay go quyết liệt. Quân Pháp tổ chức các mũi đột kích với hoả lực mạnh đánh vào vùng căn cứ nghĩa quân Mai Lượng nhưng đều bị đánh bại.[2]

Tuy bảo vệ được căn cứ nhưng lực lượng của nghĩa quân cũng bị nhiều tổn thất. Bước sang năm 1888, Mai Lượng củng cố lực lượng, tăng cường xây dựng phong trào ở các vùng trong tầm kiểm soát của nghĩa quân. Nhân dân tuy bị địch khủng bố gắt gao nhưng vẫn một lòng ủng hộ phong trào. Nhiều thanh niên trai tráng gia nhập nghĩa quân, nhiều gia đình góp công, góp của ủng hộ nghĩa quân. Để kháng chiến lâu dài, nghĩa quân lại tăng cường sản xuất lương thực, rèn đúc vũ khí, xây dựng các trận địa mai phục… Nhờ vậy, nghĩa quân không những đánh bại các trận càn của địch vào đầu năm 1888 mà còn vươn ra hoạt động trên địa bàn ngày càng rộng.[2]

Cùng thời gian này, trước sự tăng cường hoạt động của nghĩa quân, thực dân Pháp điều thiếu tá Gladet từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình phối hợp với đại uý Callet tổ chức tăng cường lực lượng, xây dựng thêm nhiều đồn bốt để xiết chặt vòng vây, chia cắt các vùng căn cứ kháng chiến nhằm đẩy lùi hoạt động và tiêu diệt lực lượng nghĩa quân.[2]

Từ nửa năm 1888 về sau, tình hình chung của phong trào gặp nhiều khó khăn, nghĩa quân Nguyễn Phạm Tuân tan rã sau khi lãnh tụ qua đời; tại bản doanh của Sơn Triều ở Tà Bảo, Trương Quang Ngọc – người trực tiếp bảo vệ nhà vua đã phản bội dẫn đến việc vua Hàm Nghi bị giặc bắt (ngày 1 tháng 11 năm 1888), Tôn Thất Tiệp bị địch giết, Tôn Thất Đàm thoái chí giải tán nghĩa quân và tự vẫn. Ở hữu ngạn sông Gianh, Lê Trực thế cô cũng giải tán nghĩa quân và ra hàng…

Khi rảnh tay đối phó với nghĩa quân của các vùng khác, địch dồn sức bao vây cô lập, gây nhiều khó khăn cho nghĩa quân Mai Lượng, nhất là việc tiếp tế lương thực, thuốc men. Để đối phó với tình hình khó khăn đó, ông tổ chức nhiều toán nhỏ nghĩa quân, tận dụng địa hình hiểm trở đánh du kích để tiêu hao sinh lực địch. Mặt khác, cho người ra Hà Tĩnh tìm cách liên lạc với nghĩa quân Phan Đình Phùng để phối hợp hoạt động.

Sau khi vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt, mặc dù "Lãnh tụ tinh thần" không còn nữa, nghĩa quân bị địch bao vây tấn công, thiếu lương thực, thuốc men, vũ khí,… nhưng nghĩa quân Mai Lượng không vì thế mà thoái chí tan rã. Với sự nghiệp kháng chiến vì độc lập dân tộc, nghĩa quân Mai Lượng còn tiếp tục chiến đấu thêm một thời gian khá dài, bảo vệ được căn cứ gây cho địch nhiều tổn thất.[7]